Siêu vi viêm gan C (HCV) là một siêu vi truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là siêu vi Viêm Gan không phải A hoặc B (non-A/non-B hepatitis). HCV có 6 loại (genotypes) thường thấy nhất: 1a, 1b, 2a, 2b, 3, 4, 5, và 6.
Phần I: Giới Thiệu
Siêu vi viêm gan C (HCV) là một siêu vi truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là siêu vi Viêm Gan không phải A hoặc B (non-A/non-B hepatitis). HCV có 6 loại (genotypes) thường thấy nhất: 1a, 1b, 2a, 2b, 3, 4, 5, và 6. Trong đó loại 1a và 1b rất phổ biến tại Hoa Kỳ và khó chữa trị hơn. HCV xâm nhập thẳng vào cơ thể qua máu; rồi tấn công tế bào gan và sinh sôi nẩy nở tại đây. HCV làm cho tế bào gan sưng lên và đồng thời giết các tế bào gan. Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên (chronic) – có nghĩa là 6 tháng sau khi bị nhiễm, bệnh vẫn không hết. Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào và vẫn có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trong số 10 – 25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10 – 40 năm, và có thể làm hư gan trầm trọng, xơ gan (cirrhosis), hoặc ung thư gan. Hiện nay bệnh viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc thay ghép gan tại Hoa Kỳ. Cho đến nay chưa có thuốc chích ngừa hoặc thuốc để chữa lành hẳn bệnh HCV. Tuy nhiên nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng có thể tiêu diệt và/hoặc làm chậm lại hay chận đứng sự phát triển của HCV cho một số người.
NHỮNG DỮ KIỆN VỀ VIÊM GAN C
- Viện Sức Khỏe Quốc Gia (NIH) ước lượng có khoảng bốn triệu người dân Hoa Kỳ bị nhiễm HCV.
- Mỗi năm, khoảng 8,000 cho đến 10,000 người dân Hoa Kỳ chết do các biến chứng liên quan đến HCV. Con số này được dự tính sẽ tăng gấp ba trong vòng 10 đến 20 năm tới.
- HCV là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc thay gan tại Hoa Kỳ.
- Những người có HCV nên tránh uống rượu và xì ke, ma túy.
- Những người có bệnh HCV nên chích ngừa Viêm Gan A và Viêm Gan B.
Gan và Bệnh Viêm Gan
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, nằm phía bên phải của bụng trong khung xương sườn. Gan nặng khoảng 1.5 kg và lớn cỡ một quả bóng cà-na (football). Gan thực hiện hơn 500 chức năng tối quan trọng. Gan chuyển hóa mọi thứ ta ăn uống, thở, hoặc thấm qua da. Gan chuyển những thức ăn uống thành năng lượng và những thành phần để tạo bắp thịt, kích thích tố, những yếu tố làm đông máu, và những yếu tố miễn nhiễm. Gan lưu trữ các chất dinh dưỡng, khoáng chất, và đường để sử dụng dần. Tế bào gan làm ra mật để giúp cơ thể tiêu hóa thực phẩm và hấp thụ chất dinh dưỡng. Gan giải trừ những độc tố có hại cho cơ thể. Gan có thể tự tái sanh các tế bào của chính nó. Gan có khả năng tái tạo đến 3/4 lá gan trong vòng vài tuần lễ.
Bệnh Viêm Gan có nghĩa đơn giản là gan bị sưng do siêu vi, hóa chất độc hại, thuốc uống hoặc thuốc chích, hoặc những yếu tố khác. Những thể bệnh siêu vi Viêm Gan thường thấy gồm có: Viêm Gan A (HAV), Viêm Gan B (HBV), và Viêm Gan C (HCV). Cả ba siêu vi này chỉ giống nhau ở một điểm là chúng đều có ảnh hưởng đến gan.
Phần II: Lây Truyền và Phòng Ngừa Viêm Gan C
Lây Truyền HCV
HCV lây lan bằng sự tiếp xúc trực tiếp qua máu. Ðường truyền bệnh bao gồm việc dùng chung các vật dụng ma túy như kim chích, đồ nấu ma túy, dây cầm máu, ống hút, ống píp, v.v… Kim dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu cũng có thể truyền HCV. Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, hay dũa móng tay tuy ít nguy cơ nhưng vẫn có thể làm lây nhiễm bệnh.
Trước năm 1992, nhiều người đã bị nhiễm HCV qua máu hoặc do nhận máu của người khác. Ðến năm 1992, cách thử máu đáng tin cậy để xác định kháng thể HCV được xử dụng. Và từ đó các nguồn cung cấp máu được thử nghiệm. Ngày nay, tỷ lệ lây nhiễm HCV do truyền máu bị nhiễm rất thấp, dưới 0.01%. Một số ít (khoảng 1% – 3% người có liên hệ tình dục khác phái tính, một vợ một chồng) có thể bị lây nhiễm HCV do sự liên hệ tình dục không an toàn. Những người thuộc các nhóm có “nguy cơ mắc bệnh cao” (như đàn ông đồng tính, mãi dâm, người có nhiều bạn tình, người mang bệnh lây qua đường tình dục) thường dễ bị nhiễm HCV qua đường tình dục hơn.
Các nhân viên y tế cũng có nguy cơ nhiễm bệnh vì những tai nạn việc làm như bị kim đâm hoặc trong những trường hợp không thể tránh được có thể tiếp xúc trực tiếp với máu của người mang bệnh.
Khoảng 5% những bà mẹ bị HCV có thể truyền bệnh cho con vào lúc trước hoặc trong khi sinh nở. Sự lây truyền này tùy thuộc vào mức độ HCV có trong máu của bà mẹ. Phần lớn những sản phụ bị đồng nhiễm HBV hoặc HIV có thể sẽ truyền HCV qua em bé. Vài cuộc khảo sát cũng tìm thấy HCV trong sữa mẹ, nhưng sự truyền bệnh qua việc cho con bú rất hiếm.
Có đến 10% người có HCV không xác định được tại sao họ bị mắc bệnh. HCV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường hằng ngày như ăn chung bàn, uống chung ly nước, ôm, hắt hơi, hoặc ho.
Phòng Ngừa HCV
Ðừng dùng chung kim chích, các dụng cụ chích ma túy hoặc bất cứ vật dụng cá nhân, dao cạo, bàn chải răng, đồ cắt hoặc dũa móng tay, hoặc bất cứ thứ gì có thể dính máu. Phải sát trùng đúng cách những dụng cụ dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu. Ngày nay đa số những người làm công việc trên đều sử dụng kim dùng một lần (vất đi sau khi dùng). Nên băng bó mọi vết cắt, vết thương. Mặc dù bệnh rất hiếm khi lây lan qua đường tình dục, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách áp dụng các phương pháp giao hợp tình dục an toàn, như dùng bao cao su và màng chắn. Theo Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC), nếu quan hệ tình dục của bạn chỉ với một người, thì bạn không cần thay đổi thói quen tình dục. Tuy nhiên, bạn nên thảo luận với người người bạn tình của bạn nếu người đó quan tâm về việc lây nhiễm bệnh. Phụ nữ bị HCV nên tránh quan hệ tình dục trong lúc có kinh nguyệt. Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa bệnh vì nướu răng bị chảy máu cũng là một cách lây nhiễm bệnh.
Nếu bạn bị HCV, hãy nói cho bác sĩ, nha sĩ, và các chuyên viên y tế biết. Các nhân viên y tế phải theo đúng các tiêu chuẩn phòng bệnh khi xử lý máu. Phụ nữ bị HCV nếu nghĩ rằng mình sắp mang bầu nên nói cho bác sĩ biết.
Trở lại bên trên
Phần III: Cách Phát Triển của Viêm Gan C
Sau khi bị nhiễm HCV, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 26 tuần. Giai đoạn đầu gọi là nhiễm bệnh cấp tính. HCV cấp tính thường chấm dứt sau 2 đến 12 tuần. Tuy nhiên, có đến 80% số người mới bị nhiễm bệnh cơ thể của họ không loại trừ được hết siêu vi nên trở thành bệnh kinh niên. Ða số người có viêm gan C kinh niên không hề có triệu chứng nào và vẫn có một cuộc sống gần như bình thường. Nhưng trong số 10% đến 25% người có bệnh kinh niên, bệnh vẫn âm thầm phát triển suốt trong khoảng 10 đến 40 năm. HCV kinh niên có thể dẫn đến hư gan, mô sợi phát triển trong gan (fibrosis), tụ mỡ trong gan (steatosis), xơ gan (cirrhosis), và ung thư gan. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải được thay gan.
Xơ gan (Cirrhosis) là một quá trình trong đó các tế bào gan bị hư hoặc bị hủy đi và được thay thế bằng các vết sẹo. Việc các vết sẹo hình thành một cách rộng lớn sẽ cản trở việc lưu thông của máu qua gan, khiến các tế bào gan chết nhiều thêm và chức năng của gan bị suy thoái.
XƠ GAN NHẸ (COMPENSATED CIRRHOSIS) có nghĩa là gan bị sẹo nhiều nhưng vẫn duy trì được đa số các chức năng; người mang bệnh xơ gan nhẹ biểu lộ một số ít hoặc không biểu lộ bất cứ triệu chứng nào.
XƠ GAN NẶNG (DECOMPENSATED CIRRHOSIS) có nghĩa là gan bị sẹo một cách rộng lớn và không còn duy trì được các chức năng. Những người mang bệnh xơ gan nặng thường có những triệu chứng như tĩnh mạch trướng (chứng giãn và yếu tĩnh mạch) trong thực quản và bụng, chảy máu nội tạng, sưng cổ trướng (tích tụ nước) và những tình trạng khác nguy hiểm đến tính mạng. Họ cũng có thể tạm thời bị rối trí.
Ung thư gan (Liver Cancer) thường phát triển vào những giai đoạn cuối của bệnh viêm gan C, thông thường là sau 25 đến 30 năm. Loại ung thư gan do viêm gan C gây ra gọi là primary hepatocellular carcinoma (HCC).
Phần IV: Những Triệu Chứng của Viêm Gan C
Nhiều người không có hoặc có một ít triệu chứng trong giai đoạn nhiễm HCV cấp tính. Phần lớn các người mang bệnh HCV kinh niên cũng không có triệu chứng nào và vẫn sống gần như bình thường. Tuy nhiên, những người khác có triệu chứng giống như bị cảm cúm nhẹ như buồn nôn, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ăn không ngon, đau vùng bụng, và nhức bắp thịt hay ở khớp. Một số người lại có những triệu chứng như bị cảm cúm nặng, cũng như vàng da và mắt bị đục, nước tiểu đậm. Sau một thời gian (thường là nhiều năm hoặc vài chục năm), người có bệnh HCV kinh niên có thể có những triệu chứng liên quan đến hư gan. Viêm Gan C kinh niên có thể liên quan đến nhiều triệu chứng khác.
Các Triệu Chứng của Người bị Viêm Gan C
Viêm gan C cấp tính | ||
Ðau ốm như bị cúm | Sình bụng | Buồn nôn |
Mệt mỏi (nhẹ đến nặng) | Đau vùng bụng | Nôn mửa |
Ăn không ngon (biếng ăn) | Sốt | Đổ mồ hôi vào đêm |
Tiêu chảy | Vàng da | Khó tiêu |
Nhức bắp thịt, khớp | Nhức đầu |
Viêm gan C kinh niên | ||
Mệt mỏi (nhẹ đến nặng) | “Brain fog” (Rối trí) | Tâm thần bất thường |
Ăn không ngon (biếng ăn) | Buồn nôn | Khó tiêu |
Nhức bắp thịt, khớp | Đau vùng bụng | Sốt |
Nhức đầu | Trầm cảm |
Giai đoạn cuối của viêm gan C với tình trạng xơ gan | ||
Mệt mỏi (nhẹ đến nặng) | Sốt | Buồn nôn |
Ăn không ngon (biếng ăn) | Nôn mửa | Tiểu nhiều |
Vàng da | Khó tiêu | Nhức đầu |
Nhức bắp thịt, khớp | Đau vùng bụng | Sình bụng |
Trầm cảm | Tâm thần bất thường | Nhận thức chậm chạp |
Không tập trung | Rối loạn tinh thần | Chóng mặt |
Thị giác kém | Tụ nước (phù) |
Những Triệu Chứng Liên Quan Ðến HCV
Có một số triệu chứng được cho là liên quan đến HCV. Một trong số triệu chứng đó là triệu chứng autoimmune, khi chính hệ thống miễn nhiễm tấn công vào các nhóm mô thịt của cơ thể. Các triệu chứng đôi khi thấy được ở các người có HCV kinh niên là hội chứng Sjogren (có đặc điểm là khô mắt và miệng), triệu chứng viêm thận (glomerulonephritis), bị các chứng bệnh tim và máu như tắc nghẽn mạch máu (thrombosis), và các triệu chứng da như lichen planus (có đặc điểm là da bị loang trắng và sưng), và porphyria cutanea tarda (da nổi ban do nắng). Những triệu chứng khác là một số loại viêm khớp (arthritis), nhức khớp (arthralgia), bệnh về tuyến giáp trạng (thyroid), viêm mạch máu (vasculitis), và triệu chứng chất đạm của máu tích tụ trong thận, da, và giây thần kinh (cryoglobulinemia). Những triệu chứng nghiêm trọng đều thuộc về giai đoạn cuối của bệnh HCV, khi gan bị hư hại và các chức năng của gan bị rối loạn. Có nhiều người mang bệnh HCV mà không bao giờ có các triệu chứng này. Hãy tham khảo với bác sĩ nếu bạn có bất cứ triệu chứng bất thường nào.
Phần V: Chẩn Bệnh Viêm Gan C
Thử nghiệm truy tầm HCV thường không được thực hiện, cho nên bạn phải yêu cầu bác sĩ của mình để được thử HCV. Bạn nên chọn một phòng thử nghiệm máu mà thôi để thực hiện tất cả các cuộc thử nghiệm, vì phạm vi của kết quả và sự chính xác của các phòng thử nghiệm máu có thể khác nhau. Nên giữ những bản sao của các kết quả thử nghiệm và sinh thiết (thử mẫu tế bào) của bạn để tham khảo sau này. Các loại thử nghiệm dưới đây sẽ giúp xác định bạn có bị nhiễm HCV hay không, và nếu có, thì tình trạng của cơn bệnh.
Các thử nghiệm kháng thể HCV
- ELISA II là một cuộc thử nghiệm máu đơn giản để phát hiện kháng thể HCV.
- RIBA là cuộc thử nghiệm kháng thể thứ nhì, có thể được dùng sau cuộc thử nghiệm Elisa, để xác nhận sự hiện diện của kháng thể HCV.
Thử nghiệm số lượng siêu vi
Cuộc thử nghiệm đo số lượng HCV lưu truyền trong máu. Ðơn vị đo lường siêu vi HCV là số lượng mỗi mili-lít (ml) máu hoặc đơn vị đo lường tiêu chuẩn được gọi là Ðơn Vị Quốc Tế (International Units). Có 3 loại thử nghiệm số lượng siêu vi là: HCV RNA PCR assay, RNA branched-chain DNA (bDNA), hoặc TMA assay (Transcription Mediated Amplification). Loại thử nghiệm RNA branched-chain DNA (bDNA) là rẻ tiền nhất, nhưng cũng không chính xác cho lắm. Các thử nghiệm về số lượng siêu vi được dùng để xác định HCV cấp tính, chọn cách điều trị thích hợp, và đo lường sự hữu hiệu của thuốc trong việc chữa trị. Chưa có sự xác minh về tương quan giữa số lượng siêu vi và sự phát triển của bệnh HCV.
Thử Nghiệm Phân Ðịnh Loại HCV (Genotype)
Cuộc thử nghiệm phân định loại HCV được dùng để xác định bạn bị nhiễm loại HCV nào. Ðiều này rất hữu ích cho việc quyết định cách chữa trị, như là chọn lựa loại thuốc, và cần điều trị bao lâu.
Thử Nghiệm Chức Năng và Sinh Hóa của Gan
Có một số cuộc thử nghiệm máu để đo lường sức hoạt động của gan. Bảng thử nghiệm gan (hepatic panel) gồm các số đo lường chức năng của gan. Số đo lường phổ thông nhất là ALT và AST (alanine aminotransferase & aspartate aminotransferase – mà trước đây gọi là SGPT và SGOT). ALT và AST là những chất men (enzymes) được tiết vào trong máu khi gan bị hư và thường tăng cao ở người bị nhiễm HCV. Nhiều người có HCV có chỉ số cao của hai loại men gan này, thường là dấu hiệu đầu tiên là họ đã bị nhiễm bệnh. Những cách đo lường khác là ALK và GGT. (alkaline phosphatase & gamma-glutamyl transpeptidase) cũng được sử dụng trong việc thử nghiệm. Những mức độ bất thường có thể biểu lộ tình trạng xơ gan hoặc ống dẫn mật bị nghẹt, cũng như một số trường hợp bất thường khác. Ngoài ra, bác sĩ của bạn có thể đo thời gian đông máu bằng phương pháp đo thời lượng “prothrombin” và mức độ mật vàng (bilirubin). Bilirubin là một sắc tố thường thấy trong máu của người có viêm gan; chất bilirubin cao sẽ gây ra chứng vàng da. Việc dùng thuốc men và rượu cũng có thể làm sai lệch kết quả thử nghiệm máu. Trước khi đi đến kết luận, hãy tham khảo với bác sĩ của bạn.
Sinh thiết gan (Liver Biopsy)
Sinh thiết (hay thử mẫu tế bào) gan được dùng để đo lường mức độ viêm, số lượng sẹo, và tình trạng sức khỏe của gan. Việc này cũng có thể dùng để xác định cách chữa trị.
Cách thức thông thường nhất là làm tê da và bắp thịt rồi nhanh chóng đưa một kim dài và nhỏ vào gan và rút ra để lấy mẫu thử nghiệm. Cách thức này làm nhiều người sợ, nhưng rất hiếm có biến chứng. Nếu bạn lo sợ, hãy yêu cầu bác sĩ cho thuốc an thần nhẹ trước khi làm sinh thiết, và chích thuốc giảm đau sau đó
Phần VI: Các Cách Chữa Trị Viêm Gan C
Cho đến năm 1998, việc trị liệu bằng interferon đơn phương (monotherapy) là phương pháp duy nhất được phê chuẩn để chữa trị bệnh nhiễm HCV. Ngày nay, tiêu chuẩn điều trị bệnh nhiễm HCV là sự phối hợp giữa thuốc pegylated interferon (interferon duy trì lâu), và thuốc ribavirin. Việc khảo cứu vẫn trên đà phát triển để bào chế các loại thuốc mới và tốt hơn, như các loại thuốc ngăn cản chất men liên quan đến sự sinh trưởng của HCV như helicase inhibitors và protease inhibitors, và các loại thuốc chống kéo sơ gan như antifibrotic.
Ngoài ra có một số phương pháp trị bệnh khác (alternative) và bổ sung (complementary) để chữa trị HCV; thí dụ như dùng cỏ gai (silymarin) và rễ cam-thảo (glycyrrhizin). Trong bản dữ kiện của chương trình Hỗ Trợ Viêm Gan C, dược thảo và các liệu pháp khác cũng được bàn luận đến. (Xin bấm ở đây để tải tài liệu xuống).
Những Dược Phẩm Chữa Trị Ðược Phê Chuẩn
Những loại thuốc được Cơ Quan Thực Dược Phẩm (FDA) phê chuẩn để trị viêm gan C là interferon, pegylated interferon (duy trì lâu), và ribavirin. Thuốc chích interferon là sản phẩm bào chế dựa vào một số chất đạm của hệ thống miễn nhiễm được tìm thấy trong cơ thể. Thuốc chích pegylated interferon (PEG) là một thể loại interferon có khả năng duy trì lâu dài do đó chỉ cần chích mỗi tuần một lần. Thuốc PEG duy trì một mức độ interferon ổn định trong máu và có nhiều hiệu quả hơn để giảm khả năng sinh sản của HCV. Ribarivin là thuốc uống chống siêu vi (oral antiviral) được phối hợp với interferon để chữa bệnh HCV. Nếu chỉ dùng riêng ribarivin thì không có hiệu quả.
Cảnh báo về thuốc Ribavirin: Ribavirin có thể gây ra quái thai và hư thai. Phụ nữ trong độ tuổi sanh đẻ, chồng/bạn tình của họ, và những phụ nữ có chồng/bạn tình đang uống ribavirin phải dùng ít nhất hai phương cách ngừa thai hữu hiệu trong suốt quá trình chữa trị và trong vòng 6 tháng sau khi chữa trị.
Chữa trị bằng interferon đơn phương
Các hiệu thuốc interferon đơn phương trên thị trường hiện nay gồm có: Intron A (hãng Schering-Plough), Roferon A (hãng Roche), Infergen (hãng InterMune, Inc.), Wellferon (Glaxo) và Alferon N (hãng ISI Pharmaceuticals). Tiêu chuẩn quy định chính thức cho interferon là thuốc chích 3 lần mỗi tuần kéo dài ít nhất là một năm. Theo sự phỏng đoán thì chỉ có 10% đến 20% các người có HCV dùng phương pháp điều trị interferon đơn phương diệt được siêu vi HCV vĩnh viễn đến mức không phát hiện được.
Chữa trị bằng interferon phối hợp với ribavirin
Loại thuốc Rebetron (hãng Schering-Plough) là một sự phối hợp giữa loại thuốc interferon đơn phương (hiệu Intron A) và thuốc ribavirin. Các cuộc nghiên cứu cho thấy điều trị bằng cách phối hợp hai loại thuốc có hiệu quả hơn là chỉ dùng thuốc interferon đơn phương. Quy định để sử dụng Rebetron là chích 3,000,000 đơn vị interferon mỗi tuần 3 lần cộng với uống 800-1,200 mg ribavirin hàng ngày. Các cuộc nghiên cứu đề nghị thời hạn chữa trị kéo dài tùy theo loại HCV (genotype): 48 tuần cho HCV loại 1, 24 tuần cho HCV loại 2 hoặc 3. Theo các cuộc thử nghiệm y tế, tỷ lệ trung bình của hiệu quả thuốc đối với siêu vi (sustained virological response) là 28% cho HCV loại 1 và 66% cho HCV loại 2 và 3.