Bệnh lao: Những điều cần biết!

Bệnh lao (còn gọi là TB) là bệnh do vi trùng (vi khuẩn) gây ra. Bệnh lao thường tấn công phổi, nhưng có thể lan sang thận, xương, cột sống, não và những bộ phận khác của cơ thể…

Lao là bệnh gì?

Bệnh lao (còn gọi là TB) là bệnh do vi trùng (vi khuẩn) gây ra. Bệnh lao thường tấn công phổi, nhưng có thể lan sang thận, xương, cột sống, não và những bộ phận khác của cơ thể…

Bệnh lao (TB) lây như thế nào?

Bệnh lao (TB) lây qua không khí khi người bị lao phổi chưa chữa trị, ho hoặc hắt hơi. Người hít phải vi trùng lao thông thường hàng ngày phải ở rất gần với người bị bệnh. Bệnh lao không lây qua chén bát, ly tách, muỗng đũa, ra giường hoặc quần áo.

Bệnh lao tấn công cơ thể bằng cách nào?

Nhiễm lao

Nhiễm lao tức là có vi trùng bệnh lao trong người. Thông thường hệ miễn dịch (đề kháng) có thể chiến đấu chống lại vi khuẩn, khiến cho chúng trở nên không hoạt động. Trong khoảng chừng 90% trường hợp, vi trùng bệnh lao sẽ không hoạt động vĩnh viễn. Người bị nhiễm lao không lâm bệnh và không thể lây bệnh lao cho người khác. Trường hợp này gọi là nhiễm lao tiềm tàng.

Bệnh lao (TB)

Bệnh lao (TB) là bệnh do vi trùng lao hoạt động gây ra. Người bị nhiễm vi trùng lao có thể bị bệnh trong một thời gian ngắn sau đó, hoặc nhiều năm sau, khi hệ miễn dịch bị suy yếu vì nguyên do khác như tuổi già, bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, bệnh thận hoặc ung thư. Người bị bệnh lao (TB) có vi trùng lao hoạt động CỘNG THÊM triệu chứng bệnh.

Các triệu chứng bệnh lao (TB) là gì?

Bệnh lao (TB) có thể tấn công bất cứ bộ phận nào của cơ thể nhưng phổi là nơi bệnh lao thường tấn công nhất. Người bị lao có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng dưới đây.

  • Cảm thấy mệt triền miên
  • Ăn không ngon miệng
  • Giảm cân vô cớ
  • Ho kéo dài hơn ba tuần lễ
  • Sốt
  • Ra mồ hôi về đêm

Đôi khi người bị lao có thể ho ra đờm vấy máu. Một số người bị lao dạng vi trùng hoạt động có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ.

Những xét nghiệm thông thường của bệnh lao là gì?

  1. Thử Da Tuberculin (Xét Nghiệm Mantoux) cho biết một người rất có thể đã bị nhiễm lao
  2. Chụp hình phổi có thể cho thấy bệnh lao (TB) đã tấn công phổi hay chưa
  3. Thử đờm cho biết vi trùng lao (TB) có trong đờm hay không

Ai nên đi xét nghiệm dò tìm bệnh lao (TB)?

  • Người có triệu chứng bệnh lao (TB).
  • Người sống và làm việc gần người được biết hoặc nghi ngờ bị lao phổi.
  • Người bị nhiễm HIV hoặc bệnh khác khiến họ dễ bị lây bệnh lao (TB).

Cách trị bệnh lao (TB)?

Nhiễm lao (TB): bác sĩ có thể kê toa thuốc hoặc tái khám bằng cách chụp hình phổi định kỳ.

Bệnh lao (TB): uống một vài loại thuốc trụ sinh đặc biệt cùng một lúc ít nhất 6 tháng. Điều quan trọng cần nhớ là bệnh lao (TB) có thể dễ trị dứt hẳn nếu được trị liệu từ đầu đến cuối và uống thuốc đúng theo chỉ định. Tuy nhiên bệnh lao (TB) có thể tái phát và khó trị hơn nếu không uống thuốc đều đặn suốt thời gian điều trị.

Có phải bệnh nhân lao (TB) lúc nào cũng có thể lây bệnh cho người khác?

Người bị lao (TB) phổi hoặc cổ họng có thể lây bệnh cho người khác. Người bị lao những bộ phận khác của cơ thể thì không truyền nhiễm. Trong đa số trường hợp, sau khi uống thuốc trị lao (TB) hai tuần lễ, bệnh nhân lao sẽ không còn lây bệnh cho người khác. Nếu một bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác, thì y tá của Chương Trình Lao sẽ thẩm định xem ai phải đi xét nghiệm và sắp xếp thủ tục. ‘Người Tiếp Cận’ thường là người trong gia đình nhưng có khi là bạn bè hoặc bạn đồng nghiệp thân quen. Truy tìm người tiếp cận là việc lúc nào cũng được thực hiện một cách tế nhị và kín đáo.

Có thể chủng ngừa lao (TB) hay không?

Thông thường người dân Úc không cần phải chủng ngừa BCG (chủng ngừa lao) nếu rủi ro tiếp xúc với bệnh lao thấp. Chúng ngừa BCG chỉ dành cho những nhóm nhất định, dễ bị bệnh lao (TB).

Muốn biết thêm chi tiết, xin liên hệ:
Mycobacterial Infections Program
Communicable Diseases Section
Department of Human Services
GPO Box 1670N
Melbourne 3001
Điện thoại: 1300 651 160

Nếu cần giúp đỡ về ngôn ngữ, xin điện thoại cho Dịch Vụ Thông Phiên Dịch (TIS) số 13 14 50 mà chỉ tốn cước cú điện thoại địa phương.

Thông tin này được phổ biến trên mạng internet:

http://www.health.vic.gov.au/ideas

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *